HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ HỢP TÁC XÃ NĂM 2024

Chủ Nhật, 19/05/2024

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình

Thứ Hai, 17/07/2023

Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã 
Thời gian qua, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 01 NQ-TU ngày 20/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về “Xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều HTX đã bước đầu đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất và quảng bá sản phẩm. 
Theo số liệu khảo sát, thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 336 HTX (khoảng 70%) đã ứng dụng công nghệ số vào một trong các hoạt động quản lý, sản xuất hoặc quảng bá sản phẩm. Trong đó, có khoảng 50% HTX ứng dụng trong hoạt động quản lý điều hành như: sử dụng chữ ký số, phần mềm kế toán…; khoảng 30% HTX ứng dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, facebook… cho hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; khoảng 20 % HTX ứng dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc như thiết bị IoT trong điều hành tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, thiết bị sản xuất chế biến theo mô hình chuỗi và sử dụng các phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc...

Tồn tại, hạn chế:  
- Tỷ lệ HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số hoặc chưa có bất cứ hoạt động nào liên quan đến ứng dụng công nghệ số trong hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh còn tương đối cao (khoảng 30%);
- Số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, chế biến còn rất ít, mới đạt khoảng 2% trên tổng số HTX đã có ứng dụng công nghệ số;
- Phần lớn các HTX đã có hoạt động chuyển đổi số là do có sự hỗ trợ của tỉnh thông quan các chương trình dự án, song hiệu quả sử dụng chưa cao thậm chí có HTX không sử dụng.  
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại hạn chế đó là:
Thứ nhất, nhận thức của HTX về chuyển đổi số còn hết sức hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của HTX; tư duy hoạt động sản xuất còn mang tính truyền thống nên ngại thay đổi;
Thứ hai, trình độ ứng dụng CNTT và những kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số của cán bộ, thành viên HTX còn hạn chế; nhiều thành viên không có khả năng sử dụng máy tính, không biết khai thác thông tin trên môi trường mạng, không có khả năng ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử và các phần mềm, tiện ích trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
Thứ ba, quy mô hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế, không có khả năng đầu tư, trang bị hạ tầng cho việc chuyển đổi số, nhiều HTX còn chưa có máy tính, chưa có thiết bị kết nối mạng internet…;
Thứ tư, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các HTX trong hoạt động chuyển đổi số; 
Thứ năm, các cơ chế chính sánh hỗ trợ của tỉnh trong hoạt động chuyển đổi số cho HTX còn nhiều bất cập; việc tiếp cận các nguồn kinh phí hỗ trợ trong đó có nguồn kinh phí chuyển đổi số của tỉnh cho các HTX còn rất khó khăn;
Thứ sáu, chưa có một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các HTX để giúp HTX tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số.  
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực KTTT, HTX thời gian tới
Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu, là đòn bẩy tạo ra những cơ hội để HTX tìm kiếm được một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị. Để chuyển đổi số trong lĩnh vực KTTT, HTX thành công đòi hỏi phải có sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã, người dân và doanh nghiệp. 
Đối với các HTX: HTX với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, cần phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Trong đó, yêu cần tập trung vào các nhiệm vụ:
- Chủ động nghiên cứu ứng dụng các công nghệ số để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới,
- Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng với bối cảnh, xu hướng phát triển mới; tích cực học hỏi kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số thành công, hiệu quả.


Đối với các sở, ngành của tỉnh: Khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số số 01 NQ-TU ngày 20/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII về “Xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ:
- Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các HTX thực hiện chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền;
- Đẩy mạnh công tác truyền thông để HTX nhận thức đầy đủ về xu thế tất yếu, thách thức và cơ hội của chuyển đổi số; về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh;
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn kết hợp với thăm quan mô hình chuyển đổi số trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong các HTX; 
- Có cơ chế đặc thù để hỗ trợ kinh phí từ các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương và đặc biệt là chương trình chuyển đổi số để thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX;
- Tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với các bộ ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh, thuế và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế... 
Đối với Liên minh hợp tác xã tỉnh: Với vai trò là cơ quan có chức năng Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; là cầu nối giữa các HTX với các sở, ngành, chính quyền các cấp, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:
- Tiếp tục đổi mới hoạt động, bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX trong hoạt động chuyển đổi số để phản ánh đến các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp; 
- Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã; xây dựng và nhân rộng một số mô hình hợp tác xã chuyển đổi số hiệu quả; hướng dẫn  thủ tục để giúp các HTX tăng khả năng tiếp cận  chính sách hỗ trợ của Nhà nước;
- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong khu vực KTTT,HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực.

Tác giả: Bùi Đức Ngọc, Phó chủ tịch LMHTX

 

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?